Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 6 tháng tuổi tới khám vì bị khối sưng vùng thái dương do ngã đập đầu khi tập đi bằng xe tròn. Theo kết quả bác sĩ đưa ra, bé trai bị tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương – chẩm trái.
Bệnh viện này trước đó cũng từng tiếp nhận trường hợp bé gái bị lún sọ não do tai nạn xe tập. Thực tế, không hiếm trường hợp trẻ tập đi với xe tròn bị té ngã. Thậm chí, có trường hợp bị biến chứng như mất đi vận động, tri giác, sống đời sống thực vật…
Khi bị chấn thương vùng đầu, lớp dịch bên trong não có thể không giảm chấn động tốt được, làm cho não rung lắc, đụng vào thành cứng của xương sọ, gây chấn động. Khi lực quá lớn, có thể làm dập, bầm não, hoặc tệ hơn là vỡ các mạch máu lớn nuôi não, gây xuất huyết não.
Rất tiếc, gia đình không thể dự đoán trước được 100% chấn thương đầu nào là lành tính hoặc nguy hiểm khi trẻ bị té. Vì thế với các dấu hiệu dưới đây, nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Trẻ bị bất tỉnh sau khi té (Không mở mắt, không đáp thưa)
- Trẻ bị nôn ói nhiều lần (Trên 2 lần)
- Trẻ có các dấu hiệu thần kinh như co giật, đi loạng choạng,…
- Trẻ lừ đừ, mệt mỏi quá mức
- Trẻ có dấu hiệu chảy máu, hoặc có chất lỏng bất thường chảy từ tai, mũi
- Sờ vào đầu trẻ thấy có chỗ lõm, vết bầm lớn tại chỗ ngay sau khi té
- Sau khi té được 24h, trẻ vẫn than nhức đầu
- Trẻ dưới 1 tuổi (Đây là độ tuổi dễ bị chấn thương mà gia đình khó đoán được)
- Nếu ba mẹ có bất kỳ lo lắng nào
Đối với trường hợp nhẹ, sau khi té trẻ vẫn tỉnh táo, quấy khóc thoáng qua hoặc chỉ ói một hai lần, sau đó ăn uống được bình thường và không có dấu hiệu nguy hiểm nào kể trên. Ở trường hợp này, ba mẹ có thể yên tâm để trẻ ở nhà và tiếp tục theo dõi, thực hiện những sơ cứu cơ bản cho trẻ như xử lý vết bầm, trầy xước,…Điều quan trọng vẫn là ba mẹ luôn luôn phòng tránh các nguy cơ té ngã, chấn thương ở trẻ để giảm nguy cơ tai nạn nhé!
Đăng ký ngay Khóa học sơ cấp cứu cùng SSVN để phòng tránh những tai nạn thương tích không đáng có
Nguồn: Thông tin bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TP. HCM