Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80.000 đến 140.000 người thiệt mạng mỗi năm do bị rắn cắn, trung bình mỗi ngày có 200 người chết. Riêng ở Việt Nam có 30.000 người bị rắn độc cắn mỗi năm và có xu hướng tăng lên. Những đối tượng dễ bị rắn cắn là những người đi làm vườn, đi rừng, thường xuyên tiếp xúc với khu vực cây cối, bụi rậm.
Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, nạn nhân rất có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm. Việc rạch và hút máu, nọc độc mà chúng ta hay thấy trên phim ảnh hoặc kinh nghiệm dân gian các chỉ gây nghiêm trọng thêm cho vết thương. Do đó kỹ năng sơ cấp cứu vết rắn cắn đúng cách, giữ yên vị trí bị cắn và đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức là rất quan trọng.
Các loại rắn độc ở Việt Nam
Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, trong đó 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn Lục và rắn Hổ. Nhiều loài rắn có nọc độc gây chết người chỉ sau thời gian ngắn. Vì vậy việc xác định đâu là vết cắn do rắn độc là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp cho nạn nhân có cách xử lí đúng, an toàn và kịp thời.
Việt Nam có nhiều loại rắn khác nhau ở khu vực rừng núi, nông thôn và vùng biển. Không phải tất cả rắn đều có nọc độc, nhưng một số loại rắn có nọc độc gây chết người mỗi năm. Các loài rắn khác nhau có nọc độc gây phản ứng khác nhau trên mỗi cơ thể nạn nhân.
Ví dụ loài rắn cạp nong có khoanh đen vàng, rắn cạp nia với những khoanh đen trắng, xám thường có ở Việt Nam trong thời gian ngắn có thể gây khó thở, mờ mắt và sau khi đã có các dấu hiệu này thì tình hình nạn nhân nhanh chóng xấu đi.
Các loài rắn khác như rắn Vai-pơ (Viper) khá phổ biến trong rừng rậm ở Việt Nam. Nọc độc của chúng thường gây buồn nôn,ói mửa và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Nếu bạn bắt gặp một con rắn, cách tốt nhất là tránh xa chúng ra. Rắn không muốn tấn công bạn, nếu bạn đi ra xa thì chúng cũng bỏ đi, nhưng nếu bạn dẫm đạp hoặc bị rắn cắn, bạn không thể biết rắn có phun nọc độc vào mình hay không. Bạn đều cần được sơ cấp cứu đúng cách rồi nhanh chóng vào bệnh viện.
Cách xử lý vết rắn căn SAI phổ biến
- Một số cách người ta áp dụng trước đây để xử lí rắn cắn bao gồm việc rạch, hút là không đúng. Việc rạch, hút không giúp ích cho nạn nhân vì bạn chỉ có thể hút một lượng rất ít nọc độc ra ngoài. Nhưng việc rạch, hút có thể làm vấn đề xấu hơn cho nạn nhân vì đa số các trường hợp, rắn cắn có tiêm nọc độc thì nọc độc chưa vào máu ngay, nó vẫn nằm dưới da, trong hệ bạch huyết để cơ thể tìm cách xử lí trước. Vì vậy nếu sơ cứu ban đầu bằng cách rạch, hút bạn có thể khiến cho nọc độc đi vào máu nhanh hơn.
- Một số người tìm cách quấn garo phía trên gốc chi để ngăn không cho máu lưu thông đến toàn chi. Với suy nghĩ làm như vậy để ngăn không cho nọc độc đi vào dòng máu, không cho nó theo dòng máu chảy lên tim, làm tim ngưng đập, gây tử vong. Trong thực tế, qui trình này thường không diễn ra ngay lập tức sau khi bị rắn cắn vì nọc độc thường không đi vào máu mà còn nằm trong hệ bạch huyết. Việc cắt toàn bộ nguồn máu bơm xuống chi sẽ khiến nạn nhân thêm khó chịu và không tốt cho nạn nhân.
Xử lý sơ cấp cứu ĐÚNG khi bị rắn cắn
Giúp nạn nhân bình tĩnh
Khi bị rắn cắn, vô cùng quan trọng là chúng ta giúp cho nạn nhân bình tĩnh. Nạn nhân bị đau ở khu vực xung quanh chỗ bị cắn, chúng ta cần trấn an, giúp nạn nhân bình tĩnh. Sau đó, chúng ta cần đảm bảo nếu rắn có tiêm nọc độc vào thì nọc độc được giữ nguyên tại chỗ mà rắn cắn.
Tạo áp lực lên vết cắn
Việc giữ cho nạn nhân không được cử động, không di chuyển chỗ bị rắn cắn và toàn thân là rất quan trọng để hạn chế việc di chuyển của nọc độc. Hãy dùng băng thun co dãn để tạo một ít áp lực ngay tại vết cắn để giữ nọc độc tại đây. Băng thun đầu tiên cần băng quấn ngay vết cắn, nơi có thể có nọc độc để giữ nó tại vị trí này. Việc quấn này không cần quá chặt, vì chúng ta không cần cắt nguồn bơm máu cho phần chi này.
Cố định chi bị cắn và toàn thân
Bây giờ chúng ta cần tìm thứ gì đó để giúp cố định, làm thẳng chân bị rắn cắn này. Chúng ta có thể tìm một nhánh cây hoặc nẹp thẳng để hỗ trợ cố định chân của nạn nhân. Tôi có thể dùng nó để nẹp toàn chân của nạn nhân. Nếu quấn trực tiếp nhành cây này vào chân nạn nhân sẽ đau, hoặc khó chịu, vì vậy tôi sẽ dùng khăn hoặc vải mềm quấn bọc quanh nhành cây trước rồi dùng băng thun quấn ép nhành cây dọc chân.
Băng thun từ dưới, ngay vị trí cắn dần lên trên để cố định, làm thẳng chân nạn nhân, không cho họ di chuyển. Chúng ta có thể dùng nhiều băng thun để quấn. Với trẻ em thì có thể một băng thun là đủ, nhưng cho người lớn thì thường là cần 2 đến 3 băng thun mới đủ quấn hết chi. Lưu ý khi quấn nẹp không cần phải quấn chật, vì mục tiêu là cố định nhành cây nẹp vào chân, hạn chế chân di chuyển.
Sau đó khiêng cáng nạn nhân đưa vào bệnh viện. Tại bệnh viện các bác sĩ sẽ phân tích loại rắn cắn và cho nạn nhân huyết thanh kháng nọc.
>>> Xem video hướng dẫn cách xử lý vết rắn cắn
>>> Xem hướng dẫn cách xử lý vết rắn cán qua app Sơ Cấp Cứu SSVN
Một vài lưu ý rất quan trọng khi xử lí rắn cắn
- Không tìm cách bắt con rắn. Nếu bạn có thể chụp hình hoặc ghi nhớ bề ngoài của con rắn thì sẽ giúp bác sĩ nhận diện loại rắn chính xác hơn. Nhưng việc này không quá quan trọng. Nếu bạn tìm cách bắt con rắn, bạn có nguy cơ bị rắn cắn và bạn không thể giúp được ai khác khi bạn cũng trở thành nạn nhân.
- Đối với phần lớn trường hợp rắn cắn, không có nhiều nọc độc bị tiêm vào cơ thể nạn nhân vì trong đa số trường hợp, rắn không cố tình giết nạn nhân. Rắn chỉ muốn thoát thân trừ khi bạn đe dọa hoặc tấn công ổ của chúng. Thông thường rắn chỉ cắn nhanh để kịp thoát thân, không có thời gian nấn ná lại để tiêm nọc độc vào nạn nhân. Vì vậy đa số trường hợp rắn cắn không có nọc độc. Tuy nhiên với tất cả trường hợp rắn cắn, chúng ta không biết có tiêm nọc độc hay không nên đều cần sơ cứu bằng cách cố định, bất động toàn bộ chi bị cắn để đảm bảo nếu có nọc độc thì nó không di chuyển nhanh.
- Mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn ca bị rắn cắn. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu duy nhất nạn nhân cảm nhận là bị đau tại nơi bị rắn cắn vì chỗ đó có hai dấu lỗ thủng do răng rắn gây ra. Chỗ này cũng gây ra nguy cơ bị nhiễm trùng sau đó nếu không có sơ cứu và điều trị đúng cách.
- Nọc độc có thể không tạo ra phản ứng gì trong cơ thể nạn nhân cho đến sau 1-2 tiếng sau khi bị rắn cắn. Hoặc cũng có thể gây phản ứng ngay lập tức tùy thuộc loại rắn, lượng nọc độc tiêm vào. Các dấu hiệu có thể bắt đầu với cảm giác buồn nôn, nhịp tim đập nhanh. Cho dù có dấu hiệu, triệu chứng hay không, điều quan trọng nhất là sơ cấp cứu, không để cho nạn nhân và nọc độc di chuyển, cố định phần bị cắn và việc này làm chậm quá trình di chuyển của nọc độc trong cơ thể.
Do đó, việc sơ cứu rắn cắn cho nạn nhân quan trọng nhất là băng thun quấn ngay vị trí cắn để giữ nọc độc tại chỗ, và nạn nhân tuyệt đối không được cử động, di chuyển. Giữ cố định nọc độc tại chỗ bằng băng thun, tạo áp lực và cố định toàn chi.
Bạn có thể tham gia học online hoặc học thực hành các thao tác sơ cấp cứu người bị rắn cắn tại Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN, Thông tin chi tiết và đăng ký tại: elearning.survivalskills.vn