Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại TP.HCM mời các chuyên gia sơ cấp cứu về trường để tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên.

Mới đây, hệ thống mầm non Việt Đức tại TP.HCM đã mời chuyên gia Tony Coffey, đồng sáng lập Kỹ năng sinh tồn Survival Skills Vietnam – SSVN, về tập huấn cho đội ngũ. Tại đây, chuyên gia Tony Coffey đã chia sẻ tới giáo viên (GV), nhân viên về các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ liên quan đường thở, chảy máu, bỏng, gãy xương, đuối nước, động kinh… và các phương pháp sơ cấp cứu cụ thể với từng tình huống xảy ra.

Kỹ năng sơ cấp cứu là cực kỳ quan trọng

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục tại TP.HCM chú trọng công tác tập huấn kỹ năng thoát hiểm, ép tim thổi ngạt, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu.

Các giáo viên, nhân viên hệ thống mầm non Việt Đức (TP.HCM) tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ẢNH: MINH UYÊN

Trong hè năm 2024, học sinh (HS) Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1 được học các lý thuyết về cấp cứu và sơ cấp cứu ban đầu, nhận diện sơ cấp cứu sai cách. Dưới sự hướng dẫn của những người có chuyên môn, HS và GV được thực hành các kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân hóc dị vật đường thở, xác định vị trí tim và bắt mạch, kỹ năng ép tim – thổi ngạt trong quy trình hồi sinh tim phổi CPR.

Tại Trường mầm non 19/5 Thành Phố, Q.1, bà Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết theo định kỳ, nhân viên cơ sở y tế địa phương đều tới trường, tập huấn cho GV, nhân viên về sơ cấp cứu trong trường học.

Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ Trường mầm non Ngôi Làng Vui Vẻ, Q.Bình Thạnh, cho hay các năm nhà trường đều có lịch định kỳ tập huấn cho đội ngũ GV, nhân viên trong trường về an toàn cho trẻ em. Để an toàn tuyệt đối cho trẻ, vấn đề này thời gian tới sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa.

Hồi tháng 10.2023, có mặt tại Trường song ngữ quốc tế Horizon, TP.Thủ Đức để chỉ dạy cho các HS kỹ năng sơ cấp cứu, cụ thể là sơ cấp cứu cho người bị đuối nước, chuyên gia Tony Coffey khẳng định rằng với những kiến thức sơ cấp cứu thì cả những người lớn tuổi cũng cần học, nhưng việc được học các kỹ năng này càng là điều quan trọng với HS. Các em dễ tiếp thu bài học mới, thích nghi với nhiều sự thay đổi. Thêm một người có kiến thức kỹ năng cứu người, là thêm nhiều người được cứu lúc khẩn cấp.

Trường học phải có nhân viên y tế chuyên trách

Điểm lại một số vụ việc cho thấy nếu GV, nhân viên trường học không có kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em, sơ cấp cứu chậm trễ, sai cách, có thể dẫn tới hậu quả khôn lường, khiến người trong cuộc day dứt suốt đời. Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, cho biết việc đội ngũ GV, nhân viên các trường học cũng như HS tham gia tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho thấy tín hiệu tích cực. Bởi càng thêm nhiều người có kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách, biết cách xử trí, xử lý bình tĩnh, chính xác các thao tác là thêm cơ hội được cứu sống cho rất nhiều người.

“Khi trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ mầm non bị hóc, sặc, nghẹn thực phẩm hoặc có dị vật vào đường thở, người sơ cứu ban đầu phải hành động thật nhanh, động tác thật chuẩn xác, không thiếu không thừa, bởi thời gian vàng để cứu sống đứa trẻ được tính bằng giây, bằng phút. 3 phút đầu tiên là thời điểm vàng để cứu sống trẻ, giúp trẻ thông được đường thở, thở được bình thường, sau đó mới di chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để tiến hành cấp cứu tiếp theo. Còn khi đứa trẻ chưa thông được đường thở, dẫn tới thiếu ô xy, chết não, mà GV, nhân viên không sơ cứu gì, hoặc sơ cứu sai cách, lại ẵm đứa trẻ chạy tới bệnh viện ngay, quá trình di chuyển mất ít nhất 5 – 7 phút cũng là quá chậm trễ để cứu được”, bác sĩ Tuần nhấn mạnh.

Học sinh học kỹ năng sơ cấp cứu
ẢNH: MINH UYÊN

Bên cạnh đó, là người có thâm niên gần 30 năm trong nghề, bác sĩ Tuần khẳng định: “Dù việc tập huấn sơ cấp cứu với đội ngũ GV, nhân viên, HS là rất quan trọng, nhưng không thể thay thế được nhân viên y tế trường học. Và trường học, bắt buộc phải có nhân viên y tế chuyên trách, chứ không phải kiêm nhiệm. Nhân viên y tế trường học chuyên trách, với trình độ chuyên môn tối thiểu là y sĩ, hoặc điều dưỡng, bác sĩ, họ được đào tạo bài bản trong quá trình học, bên cạnh đó được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên về sơ cấp cứu, sẽ có đủ kiến thức, kỹ năng, sự bình tĩnh để xử trí, xử lý trong các tình huống khẩn cấp với trẻ”. Đầu năm

2024, sau đề xuất của Bộ GD-ĐT đề nghị điều chỉnh vị trí việc làm nhân viên y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục, Bộ Nội vụ đã chấp thuận. Thời gian qua, nhiều địa phương tại TP.HCM trong các đợt tuyển dụng viên chức trong cơ sở giáo dục công lập cũng tuyển nhiều viên chức là nhân viên y tế trường học.

Nguồn: Thanhnien