Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, kéo theo sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ liên quan (ADRD). Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng số người sống chung với chứng sa sút trí tuệ ở Việt Nam sẽ đạt 1,2 triệu vào năm 2030.

Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phương Tây (hang đầu ở Anh, thứ 2 ở Úc, và thứ 8 ở Mỹ).
Sa sút trí tuệ là thuật ngữ chung mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến não bộ. Không phải tất cả sự suy giảm nhận thức đều là sa sút trí tuệ. Đây là một thuật ngữ bao trùm mô tả tập hợp các triệu chứng về nhận thức, chức năng và hành vi do các bệnh lý cụ thể gây ra, trong đó bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất.
Tại Việt Nam, phần lớn việc chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ do chính các thành viên trong gia đình đảm nhiệm. Trải nghiệm chăm sóc một người thân cao tuổi tại nhà có thể rất khó khăn, và phân tích dữ liệu đã chỉ ra một số vấn đề phổ biến:
Nhận thức về sa sút trí tuệ:
Nhiều người chăm sóc xem các triệu chứng sa sút trí tuệ là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, hay còn gọi là “bệnh lẫn”, thay vì nhận thức đây là dấu hiệu của một bệnh lý cần được thăm khám và hỗ trợ y tế. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc và nguồn lực phù hợp.
Trách nhiệm gia đình:
Tinh thần trách nhiệm có thể tạo ra gánh nặng tâm lý cho người chăm sóc, khiến họ cảm thấy bắt buộc phải chăm sóc người thân dù hoàn cảnh cá nhân có như thế nào.
Phụ nữ thường đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc:
trong khi nam giới có thể chỉ hỗ trợ ở những vai trò ít đòi hỏi hơn. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng về mặt cảm xúc và thể chất giữa các thành viên trong gia đình.
Những thách thức mà người chăm sóc phải đối mặt:
Người chăm sóc thường gặp nhiều khó khăn, bao gồm mất thời gian cá nhân, mất thu nhập, bị cô lập về mặt xã hội và suy giảm sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nhiều người bày tỏ cảm giác chán nản, buồn bã và kiệt sức.
Mặc dù việc tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia y tế luôn là điều cần thiết, nhưng vẫn có những cách giúp tạo ra một môi trường sống an toàn và giúp người chăm sóc có thể ứng phó phù hợp.
Học kỹ năng sơ cứu tại SSVN và tạo môi trường sống an toàn, quen thuộc là điều rất quan trọng khi chăm sóc người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ. Kỹ năng sơ cứu giúp người chăm sóc phản ứng hiệu quả và tự tin hơn trong các tình huống khẩn cấp, điều đặc biệt quan trọng vì người mắc chứng sa sút trí tuệ có nguy cơ cao bị tai nạn, chấn thương hoặc các vấn đề sức khỏe đột ngột.
Bên cạnh đó, việc tạo ra một không gian sống an toàn giúp giảm thiểu nguy cơ té ngã hoặc suy giảm nhận thức, trong khi môi trường quen thuộc có thể mang lại sự thoải mái và giảm lo âu cho người bệnh. Khi kết hợp những yếu tố này, không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất của người cao tuổi mà còn hỗ trợ tinh thần và cảm xúc của họ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả người bệnh, người chăm sóc và gia đình.
Tác giả: Tony Coffey – Chuyên gia Cấp cứu ngoại viện Úc/ Đồng sáng lập Kỹ năng sinh tồn SSVN