Hóc dị vật là tai nạn thường xuyên gặp ở trẻ em, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ độ tuổi từ 1 đến 3 (Theo thống kê của bệnh viện Nhi đồng 2).
Ở độ tuổi này các phản xạ đóng mở thanh quản để bảo vệ đường thở của trẻ khi ăn uống chưa thành thạo, bé đang tập ăn dặm, ăn thô và dễ cho vật lạ vào miệng dẫn đến hóc dị vật.
Một bé gái ở TPHCM bị sặc vào đường thở do vụn xương sau khi ăn cháo. Tuy nhiên, do không được sơ cứu đúng cách nên sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, bé bị thiếu oxy lên não. Điều này khiến não bé bị tổn thương với những di chứng về sau này.
Trẻ dễ bị hóc khi đang ăn dặm nếu phụ huynh không cẩn thận
Những sai lầm mà ba mẹ thường gặp khi sơ cứu cho trẻ:
1. Cho tay trực tiếp vào miệng trẻ để lấy dị vật ra
Đây là việc rất nguy hiểm cho trẻ, bởi dị vật có thể vì thế mà đi xuống sâu hơn. Ngoài ra nó gây ra xước niêm mạc họng, vì khí quản ở trẻ em rất mềm và dễ tổn thương.
Phụ huynh cho tay vào miệng trẻ để lấy dị vật
2. Vỗ lưng, vuốt xuôi ngực để xử lý hóc dị vật
Sai lầm phổ biến nhất của bậc cha mẹ là nghe theo thói quen dân gian. Cách này càng khiến dị vật đi vào sâu hơn trong đường thở. Lực vỗ của người lớn mạnh, cộng với lực hít vào của trẻ chỉ làm các dị vật vào sâu hơn.
Bố mẹ thường theo thói quen vỗ ngực cho trẻ khi xuất hiện hóc và sặc dị vật
3. Sử dụng mẹo dân gian
Thông thường các bậc cha mẹ sẽ xử trí hóc theo kiểu cho bé ăn nắm cơm hay trái cây. Họ nghĩ việc này khiến dị vật đi theo cơm và trái cây xuống đường tiêu hóa. Tuy nhiên hành động này sẽ rất nguy hiểm. Nếu dị vật đi sâu hơn vào đường thở, đặc biệt là dị vật sắc nhọn sẽ làm rách đường khí quản của trẻ.
Trên đây là những sai lầm phổ biến nhất mà ít phụ huynh để ý. Phụ huynh nên trang bị kiến thức sơ cấp cứu để xử lý đúng cách hóc dị vật cho trẻ.