Theo Sở Y tế TPHCM, bên cạnh đường dây cấp cứu 115 quen thuộc, bệnh viện Tâm thần còn triển khai thêm đường dây nóng 1900 1267 vừa bổ sung thêm nhánh “cấp cứu trầm cảm” bên cạnh tư vấn bệnh lý tâm thần, tâm lý và đặt lịch tư vấn cho bệnh nhân như trước đây.

Tỷ lệ bệnh nhân bị trầm cảm tự sát sau dịch Covid-19 tăng lên rất cao (20-25%). Trong thời gian tới, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ tiếp tục kết nối, chia sẻ và học tập kinh nghiệm với chuyên gia cấp cứu ngoại viện Úc Tony Coffey – giám đốc đào tạo của SSVN, người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cấp cứu tâm thần. Đồng thời, tiến hành tập huấn chuyên đề cấp cứu rối loạn tâm thần cho mạng lưới 39 trạm cấp cứu vệ tinh ngoài bệnh viện.

Chuyên gia Úc Tony Coffey gặp gỡ các y, bác sĩ của trung tâm cấp cứu 115 để chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động cấp tâm thần.

Hoạt động “cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận 3 trường hợp người bệnh kích động, la hét, nói nhảm, đập phá đồ đạc và một trường hợp có biểu hiện muốn tự sát sau một tuần triển khai. Tất cả các trường hợp này sau khi được tiếp cận và can thiệp điều trị kịp thời theo quy trình “Cấp cứu trầm cảm”, tất cả đều đã ổn định, có thể xuất viện và điều trị ngoại trú.

Sở Y tế tin rằng quy trình “cấp cứu trầm cảm” sẽ tiếp tục được nhân rộng và tiếp tục triển khai có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

SSVN khuyến cáo, người dân khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm Thần TPHCM) để được “cấp cứu trầm cảm”.