Ở vùng sông nước, lũ lụt, trẻ em dưới 5 tuổi có tỉ lệ đuối nước rất cao so với các lứa tuổi lớn hơn, phần lớn là do trẻ nhỏ bị ngã xuống nước khi ở nhà nổi, nhà sát cạnh sông hoặc cùng cha mẹ đi làm bằng thuyền, bè nổi.
Khi chưa có lũ
- Trang bị kiến thức, kĩ năng phòng tránh đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cho cả trẻ em, học sinh. Bạn có thể tham gia khóa học trực tuyến Sơ cấp cứu chấn thương do lũ lụt hoàn toàn miễn phí hoặc khóa học nâng cao cho người làm công tác cứu trợ và phòng chống thiên tai.
- Có kế hoạch lập điểm trông giữ trẻ tập trung, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ; vận động sự phối hợp, hỗ trợ từ cộng đồng trong việc tổ chức trông, chăm sóc trẻ.
- Nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương phối hợp, xây dựng kế hoạch để tổ chức hướng dẫn, trang bị cho trẻ em, học sinh những kiến thức, kĩ năng phòng, tránh đuối nước. Dạy các em các kĩ năng an toàn trong môi trường nước, kĩ năng tự nổi, kĩ năng bơi sống sót để ứng phó với các tình huống đuối nước bất ngờ xảy ra. Khuyến khích cha mẹ tự dạy bơi cho con em mình, dạy các kĩ năng thoát hiểm cho trẻ em (trên 4 tuổi).
Ngay trước lũ
- Địa phương có thiết lập hệ thống và thực hiện cảnh báo sớm thông tin về lũ lụt trong toàn dân của vùng lũ lụt. Tuyên truyền người dân làm theo hướng dẫn của chính quyền thông qua đài phát thanh, truyền hình và chỉ đạo trực tiếp để bảo đảm an toàn cho người dân. Do đó, các gia đình cần chia sẻ kịp thời thông tin chính thống với những người xung quanh.
- Giữ mối liên hệ với cơ sở y tế, trạm cứu hộ gần nhất, người thân (số điện thoại, địa điểm, cách đến được khi có lũ lụt) để chia sẻ thông tin, hỗ trợ khi cần thiết.
- Gia cố nhà cửa, trường lớp, lắp đặt, gia công hàng rào, tay vịn để hạn chế trẻ em bị rơi xuống nước. Chuẩn bị phao cứu sinh, can nhựa, vật nổi,… củng cố sự an toàn của xuồng, thuyền, phương tiện đi lại trên nước.
- Buộc chặt tài sản cần thiết nhất để khỏi bị cuốn trôi. Giữ sách vở, đồ dùng học tập cùng tài liệu quan trọng trong túi ni lông hoặc túi chống nước, treo cao ở nơi an toàn nhất.
Trong lũ
- Xác định cách đi tới địa điểm an toàn cho trẻ em, học sinh khi cần di chuyển.
- Không di chuyển nhiều trên mặt nước, đặc biệt là vùng nước chảy xiết, sông lớn, cánh đồng rộng ngập nước. Nên đi theo tuyến đường có nhiều cây to, gần nơi dân đang sinh sống để thuận tiện nắm bắt thông tin và trong việc cứu hộ.
- Chú ý hơn đến việc trông nom, chăm sóc trẻ em để phòng tránh đuối nước tại nhà hoặc ở nơi sơ tán tránh lũ lụt. Sơ tán trẻ em đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.
Một số chú ý chính về nguy cơ khi có lũ lụt
- Khi nước lũ mạnh, chảy xiết có thể làm cuốn trôi cây cối, ô tô và các vật thể lớn khác, tuyệt đối không được đi vào vùng nước chảy xiết, ngay cả khi nước cạn.
- Nước lũ thường đục, đi vào có thể dễ bị vào vùng nước sâu, vùng nước nguy hiểm.
- Đi trong nước lũ vô cùng nguy hiểm, chân có thể bị mắc kẹt bởi các vật thể dưới nước như nắp cống, dẫm phải các vật sắc, nhọn nguy hiểm khác mà chúng ta không thể nhìn thấy được.
- Điện có thể truyền qua nước và gây nguy cơ chết người. Hãy chú ý ngắt tất cả các nguồn điện nếu nhà bị ngập.
- Không đi vào vùng nước lũ. Cho dù nước không chảy nhưng có hại cho sức khoẻ và có thể bị điện giật hoặc bị kẹt bởi các vật thể dưới chân. Tránh nước lũ bất cứ nơi nào có thể.
- Bất cứ khi nào ở trong hoặc gần vùng nước lũ, hãy luôn mặc áo phao để phòng trường hợp không may bị rơi vào nước lũ.
- Luôn tuân theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
- Luôn sẵn sàng các kế hoạch như: di tản, chuẩn bị trước lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, kê cao đồ đạc/ vật dụng có giá trị cao hơn mặt nước lũ để tránh bị ngập nước.