Nhiều người Việt Nam vẫn chưa được trang bị kỹ năng sơ cứu đúng cách dẫn tới không ít trường hợp bị tai nạn trở nên trầm trọng hơn trước khi được đưa đến bệnh viện.
Sáng 4/11, tại sự kiện 10 năm kỷ niệm hành trình lan toả kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu trên toàn Việt Nam của SSVN (Survival Skills Vietnam), ông Brent Steward, Phó Lãnh sự Úc tại TPHCM đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của SSVN trong hành trình lan toả kỹ năng sơ cấp cứu tại Việt Nam.
Người đồng sáng lập SSVN – ông Tony Coffey – chuyên gia cấp cứu ngoại viện Úc đã nhấn mạnh rằng, kỹ năng sơ cứu không hề quá khó khăn mà ai cũng có thể thực hiện nếu được đào tạo.
Trang bị kỹ năng sơ cứu rất hữu ích trong tình huống tai nạn bất ngờ xảy ra, bạn sẽ giúp đỡ được bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Trong sự kiện này, SSVN cũng ra mắt sổ tay pháp lý nhằm mục đích làm rõ các qui định liên quan đến việc sơ cấp cứu trong bối cảnh pháp luật Việt Nam.
Sổ tay này cung cấp kiến thức cần thiết giúp cá nhân tự tin đưa ra quyết định có trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp.
Với sổ tay này, người dân sẽ giảm bớt lo ngại liên quan đến các vấn đề pháp lý và khiếu nại trong sơ cấp cứu cộng đồng, từ đó góp phần tạo ra một văn hoá tích cực, khuyến khích mọi người sẵn sàng hỗ trợ sơ cứu cho người bị nạn.
Tính đến nay, đã có hơn 150 ngàn cá nhân tiếp cận với tài nguyên và kiến thức về sơ cấp cứu của SSVN, nhiều học viên trong số đó đã sử dụng kỹ năng này để cứu sống hàng ngàn người.
Đó là anh Phạm Quốc Việt với đội hỗ trợ sơ cứu của mình đã cứu sống hàng ngàn nạn nhân tai nạn giao thông, hoả hoạn mỗi năm.
Ở miền Trung, thầy giáo Mai Văn Chuyền đã cùng đội ngũ của mình liên tục lan toả kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cứu đuối nước cho hàng ngang trẻ em tại tỉnh Đắk Lắk.
Ở miền Nam, anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa cũng hỗ trợ sơ cứu được các nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm do xe container.
Không chỉ đào tạo sơ cấp cứu cho số đông mà SSVN còn mong muốn cải thiện sự an toàn cho cộng đồng người khuyết tật.
Chị Hà Mi – một người khiếm thị đã chia sẻ nhờ những kỹ năng sinh tồn mình học được mà đã cứu thành công một trường hợp bị hóc xương cá. Qua đó, chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì chứng minh được người khuyết tật vẫn có thể thực hiện nhiều kỹ năng, không chỉ tự bảo vệ bản thân mà còn hỗ trợ được cho cộng đồng.
Trong sự kiện này, bà Trang Jena Nguyễn – Phó Giám đốc SSVN – bày tỏ ước mơ của mình chính là mỗi gia đình ở Việt Nam có ít nhất một người biết sơ cấp cứu.
Nguồn: Phunuonline