Gặp tình huống nạn nhân cần sơ cứu khẩn cấp, nhiều người không biết phải làm gì, hoặc ngại dừng lại hỗ trợ vì sợ bị hiểu lầm đã gây ra tai nạn, dính đến những rắc rối pháp luật.
“Người Việt có tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp ngại sơ cứu người bị nạn vì họ không biết cách và sợ liên lụy”, ông Tony Coffey, chuyên gia cấp cứu ngoại viện Australia, nói tại kỷ niệm 10 năm hành trình lan tỏa sơ cứu ở Việt Nam của tổ chức Survival Skills Vietnam, ngày 4/11.
Ông nhận thấy những năm qua, người Việt dần ý thức hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng sơ cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ sơ cấp cứu là việc của y bác sĩ, họ không thể làm được gì. Trong khi đó, đây là việc không quá phức tạp, ai cũng có thể học, không cần phải biết quá chuyên sâu mới có thể thực hiện. Điều quan trọng là mỗi người cần trang bị kiến thức để biết mình cần làm gì khi gặp tình huống khẩn cấp, trước hết là giúp cho chính những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, sau đó là cộng đồng.
Chuyên gia cho rằng vẫn còn thực trạng một số người không dám dừng lại hỗ trợ các nạn nhân vì sợ liên luỵ, bị người nhà nạn nhân đe dọa, đuổi đánh vô cớ vì tưởng gây ra tai nạn, cùng những rắc rối pháp lý sau đó. Thực tế, pháp luật luôn có những quy định bảo vệ người làm việc tốt, giúp đỡ người bị nạn.
“Để tránh những hiểu nhầm, trước khi cứu người gặp nạn, có thể chụp ảnh, quay phim nhanh về tình trạng nạn nhân, chứng tỏ mình không gây tai nạn”, ông Tony Coffey nói.
Pháp luật Việt Nam quy định việc không cứu người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu có thể bị phạt 0,5-1 triệu đồng đối với cá nhân, 1-2 triệu đồng đối với tổ chức. Người thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Anh Phạm Quốc Việt, người sáng lập Đội hỗ trợ sơ cứu thiên thần (First Aid Support Angel), cho biết đến nay đã góp phần cứu giúp hàng nghìn người bằng tâm niệm “tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi gặp nạn bạn sẽ là người giúp tôi”. Từng nằm khắc khoải chờ người đến cứu sau một lần tai nạn, anh thấu hiểu sự cô độc của các nạn nhân nên quyết định lập đội cứu nạn miễn phí.
Không ít thành viên rời đội do không chịu nổi sự đe dọa, thậm chí hành hung của người nhà nạn nhân. Sau đó, anh Việt trang bị thêm đồng phục gồm áo, mũ, đeo băng chữ thập đỏ, giúp đội ít bị hiểu nhầm hơn. Anh vẫn luôn động viên mọi người “coi nạn nhân như người thân của mình để giúp đỡ họ”.
Ở các nước phát triển như Australia, việc dạy sơ cấp cứu rất phổ biến ở trường học, thường lồng ghép trong các chương trình bắt đầu từ lớp 10. Từ nhỏ, trẻ đã tiếp cận kiến thức về sơ cứu trong các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đào tạo sơ cấp cứu cho người lao động. Thông thường, người lao động được học sơ cứu mỗi 3 năm một lần. Với những ngành nghề giao tiếp, tiếp xúc nhiều người như giáo viên, bảo vệ, bảo mẫu…, kiến thức sơ cứu phải được cập nhật hàng năm.
Các chuyên gia cho rằng việc trang bị kỹ năng về sơ cấp cứu là việc cần thiết, bởi nhiều trường hợp cần phải thực hiện xử trí ban đầu, hồi sinh tim phổi ngay để giữ tính mạng, không thể đợi được đến khi lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp xuất hiện. Nhiều nạn nhân do không được sơ cứu hoặc bị sơ cứu sai, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí tử vong trước viện.
Nguồn: Vnexpress