Phương pháp Ăn Dặm Bé Tự Chỉ Huy (Baby Led Weaning – BLW) là phương pháp phổ biến để tập cho trẻ làm quen với thức ăn dạng đặc, cho phép trẻ tự ăn, khuyến khích tính tự lập và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Phương pháp này nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng vận động, trải nghiệm giác quan, và khả năng tự điều chỉnh cơn đói vì trẻ học được cách chọn lựa, nhai và nuốt thức ăn theo nhịp độ riêng. Một số người cho rằng phương pháp này giúp ngăn ngừa việc trẻ kén ăn và tạo dựng mối quan hệ tích cực với thực phẩm trong quá trình trẻ lớn lên. Tuy nhiên, BLW cũng khiến phụ huynh và người chăm sóc phải đối mặt với tình trạng trẻ nôn trớ và thậm chí có thể bị hóc.

Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa hai tình trạng này rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ trong bữa ăn. Mặc dù cả hai đều liên quan đến tắc hóc đường thở, nhưng chúng có cơ chế khác nhau và đòi hỏi cách xử lý khác nhau.
Chuyên gia Cấp cứu ngoại viện, ông Tony Coffey giải thích cơ chế của từng tình trạng, cách nhận biết và hướng dẫn xử lý.
Hóc và Nôn trớ
Nôn trớ là phản xạ tự nhiên giúp ngăn thức ăn hoặc dị vật xâm nhập vào đường thở. Phản xạ này thường xảy ra khi phần sau của cổ họng bị kích thích, gây khó chịu nhưng trẻ vẫn có thể thở và khóc. Nôn trớ thường xảy ra khi trẻ đang ăn, đặc biệt khi thử các loại thực phẩm mới hoặc khi trẻ chưa học cách nhai đúng cách. Nó cũng thường xảy ra khi thức ăn hoặc dị vật đi quá sâu về phía sau cổ họng, việc này kích thích cơ chế tự vệ của cơ thể.
Khi nôn trớ, trẻ có thể biểu hiện ho mạnh hoặc buồn nôn nhưng trẻ vẫn có thể thở được.
Hóc, ngược lại, nghiêm trọng hơn nhiều và xảy ra khi một dị vật làm tắc hóc đường thở, ngăn không khí lưu thông. Tình trạng này được gọi là Hóc Dị Vật Đường Thở (FBAO), có thể dẫn đến tình huống nguy kịch khi trẻ không thể thở, nói hoặc ho được hiệu quả. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hóc là tắc nghẽn đường thở do các mẩu thức ăn nhỏ, đồ chơi, hoặc các vật dụng khác mà trẻ đưa vào miệng. Hóc có thể nhanh chóng trở thành tình huống đe dọa tính mạng.
Cách phân biệt
Việc nhận biết dấu hiệu của mỗi tình trạng rất quan trọng để phản ứng hiệu quả.
- Nôn trớ: Trẻ có thể ho, phát ra âm thanh hoặc biểu hiện khó chịu, nhưng vẫn thở và tạo ra âm thanh.
- Dấu hiệu của hóc sẽ đáng báo động hơn: Trẻ không thể nói, có dấu hiệu hoảng loạn hoặc sợ hãi, mặt chuyển xanh hoặc tím tái, và khó thở. Trẻ có thể ôm cổ họng và mở to mắt trừng trừng vẻ hoảng sợ nếu đường thở bị chắn hoàn toàn.
Nếu trẻ bị Nôn trớ
- Trẻ ho to.
- Có thể tạo ra âm thanh hoặc khóc.
- Trông lo lắng nhưng không hoảng loạn.
- Có thể tự xử lý và loại bỏ dị vật sau một lúc.
Nếu trẻ bị hóc
Xử lý tình huống
- Trẻ không thể ho hoặc nói.
- Biểu hiện căng thẳng hoặc khó chịu.
- Dấu hiệu hoảng loạn rõ rệt.
- Mặt xanh tím hoặc da tái nhợt.
Nếu nghi ngờ trẻ bị hóc, cần hành động ngay lập tức:
1. Nếu trẻ không thể ho, nói, hoặc thở, gọi 115 để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
2. Đặt trẻ ở tư thế đầu thấp hơn, vỗ mạnh tối đa 5 cái vào lưng, vị trí giữa hai bả vai.
3. Nếu vỗ lưng không hiệu quả, thực hiện tối đa 5 lần ép ngực hoặc sốc bụng.
4. Lặp lại luân phiên vỗ lưng và ép ngực/sốc bụng cho đến khi dị vật được loại bỏ hoặc đội ngũ cấp cứu đến.
(LƯU Ý: Với trẻ dưới 12 tháng tuổi, chỉ thực hiện vỗ lưng và ép ngực.)
Trong trường hợp nôn trớ, tốt nhất nên giữ bình tĩnh và khuyến khích trẻ ho để đẩy dị vật ra ngoài.
- Dành thời gian cho trẻ tự xử lý.
- Nếu tình trạng nôn trớ kéo dài hoặc trẻ có dấu hiệu khó chịu, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế để đảm bảo không có biến chứng nghiêm trọng.
- Luôn giữ bình tĩnh và quan sát sát sao tình trạng của trẻ.
Ông Tony nhấn mạnh: “Mặc dù những tình huống này có thể gây căng thẳng cho cha mẹ và người chăm sóc, nhưng hãy nhớ rằng trẻ đang trông cậy vào bạn và sự hỗ trợ hiệu quả từ bạn. Nếu bạn hoảng loạn, điều này có thể làm tăng sự sợ hãi của trẻ và dẫn đến những quyết định sai lầm. Tôi khuyến khích mọi người tham gia một khóa học để thực hành kỹ năng sơ cứu này trên mô hình và sẵn sàng ứng phó khi có sự vụ xảy ra.”
Tác giả : Tony Coffey Paramedic, Co-Founder Survival Skills Vietnam.